Về bản chất, dây nhảy quang là một sợi quang được bấm sẵn đầu nối quang ở đầu. Dây nhảy quang thường được sử dụng để tạo ra đường kết nối với khoảng cách ngắn, tốc độ cao giữa hộp phối quang ODF với Switch quang, hay Converter quang với Switch quang, hoặc nối giữa các Switch với nhau qua Module SFP.
Trong bài này, ta sẽ tìm hiểu chi tiết về dây nhảy quang:
Dây nhảy quang thực chất là cáp quang?
Về bản chất dây nhảy quang đúng là một sợi quang. Chỉ đơn giản là nó được bấm sẵn hai đầu nối quang. Vậy tại sao người ta không sử dụng cáp quang mà lại dùng dây nhảy quang?
Cáp quang có ưu điểm truyền tín hiệu xa và tốc độ cao. Nên nó được lựa chọn làm đường truyền khoảng cách xa. Do đó, cáp quang thông thường sẽ có cấu trúc bảo vệ dày dặn, đặc biệt nhằm chống lại điều kiện môi trường bên ngoài. Ngoài ra, cáp quang thường có số lượng sợi quang nhiều.
Tuy nhiên, với các đường truyền ngắn giữa các thiết bị quang trong tòa nhà. Người ta cần sử dụng kết nối sợi quang nhưng không cần số lượng sợi nhiều, cấu trúc bảo vệ thiên về thân thiện môi trường, chống cháy. Do đó, dây nhảy quang được tạo ra để đảm nhiệm đường truyền kết nối quang, nhanh chóng và linh hoạt trong khoảng cách gần giữa các thiết bị.
Vì vậy, theo lý thuyết thì dây nhảy quang và cáp quang đều truyền tín hiệu quang như nhau. Tuy nhiên, ứng dụng và chức năng của chúng lại khác nhau!
Tại sao khoảng cách gần không sử dụng dây cáp mạng?
Nhiều người sẽ nghĩ rằng nếu kết nối khoảng cách gần sao không sử dụng dây cáp mạng. Tuy nhiên, tín hiệu quang và điện là khác nhau hoàn toàn. Để kết nối các thiết bị quang, ta cần sợi quang chứ không thể sử dụng tín hiệu Ethernet.
Kể cả trong trường hợp có thể sử dụng dây cáp mạng để thay thế thì, dây nhảy quang có những ưu điểm đặc biệt với cáp mạng:
- Dây nhảy quang có băng thông rộng hơn cáp mạng.
- Dây nhảy quang có tốc độ cao hơn cáp mạng.
- Dây nhảy quang có thể truyền dữ liệu với khoảng cách xa hơn cáp mạng rất nhiều.
Các thông tin cần biết về dây nhảy quang
Với một người chưa biết gì về dây nhảy quang, trước hết bạn phải nắm được những thông tin cơ bản sau:
1. Các loại dây nhảy quang:
Dây nhảy quang cũng chia thành 2 loại chính là Singlemode và Multimode giống cáp quang. Trong đó dây nhảy quang singlemode có đường kính sợi lõi nhỏ và có các loại sợi quang OS1 và OS2. Còn dây nhảy quang Multimode có lõi sợi quang to hơn và có các loại sợi quang OM1, OM2, OM3, OM4.
Hiện nay, Dây nhảy quang phổ biến nhất loại Singlemode sẽ sử dụng sợi quang OS2 và dây nhảy quang Multimode sẽ sử dụng sợi quang OM3 và OM4.
2. Các loại đầu nối dây nhảy quang:
Có rất nhiều loại đầu nối dây nhảy quang khác nhau. Nhưng phổ biến và hay gặp nhất là các đầu nối dạng: FC, SC, LC, ST,… Đây là các loại đầu nối chính được sử dụng.
Do đó, nếu 2 đầu dây nhảy quang đều là đầu nối SC thì ta sẽ có loại dây nhảy quang SC-SC. Tương tự như vậy, dây nhảy quang SC-LC là loại dây nhảy quang có 1 đầu SC và 1 đầu LC.
Đây cũng chính là cách gọi quen thuộc dân kỹ thuật hay sử dụng để gọi các loại dây nhảy quang.
3. Số sợi quang:
Phổ biến nhất là loại dây nhảy quang 1 sợi. Tuy nhiên, tùy trường hợp mà người ta có thể sử dụng thêm dây nhảy quang 2 sợi. Ta có thể bắt gặp dây nhảy quang loại 1 sợi được gọi với cái tên là dây nhảy quang Simplex. Còn dây nhảy quang 2 sợi thì được gọi dưới tên dây nhảy quang Duplex.
Ngoài ra, có loại dây nhảy quang gồm số lượng sợi nhiều hơn theo dạng MTP/MPO. Đây là loại dây nhảy quang đặc biệt gồm nhiều sợi quang.
4. Chiều dài dây nhảy quang:
Dây nhảy quang thường có nhiều loại có sẵn với độ dài từ 1m, 2m, 3m, 4m, 5m, 10m, 15m, 20m,… cho đến 50m. Tuy nhiên, vì thực tế sẽ phát sinh nhiều trường hợp khoảng cách khác nhau. Cho nên sẽ có các đơn vị chấp nhận đặt chiều dài dây nhảy quang theo yêu cầu. Ta có thể đặt các loại dây nhảy quang với độ dài hàng trăm mét.
Các sơ đồ ứng dụng dây nhảy quang
Dưới đây là một số sơ đồ ứng dụng dây nhảy quang để kết nối trong mạng:
Mong rằng qua bài viết này, bạn đã hiểu cơ bản dây nhảy quang là gì? Tác dụng của nó và những thông tin căn bản!
Thông Tin Về Tác Giả
Nguyễn Thành Hợp là một chuyên gia về lĩnh vực thiết bị mạng, viễn thông gần 10 năm kinh nghiệm với nhiều chứng chỉ chất lượng như CCNA 200-301, CCNP, CCDA, CCDP,... do Cisco cung cấp. Sở thích cá nhân là khám phá những kiến thức mới mẻ về công nghệ nói chung và đặc biệt là liên quan đến lĩnh vực mạng!