Tường lửa hay Firewall có thể là một phần mềm hoặc thiết bị. Phần mềm tường lửa thường được cài đặt trên máy tính cá nhân, điện thoại. Thiết bị tường lửa được lắp đặt ở ngoài cùng của mạng. Trong bài viết này, ta sẽ đi tìm hiểu rõ tất cả kiến thức về tường lửa để giúp bạn hiểu bản chất của tường lửa và cách thức nó hoạt động ra sao?
Tường lửa – Firewall là gì?
Tường lửa là một phần mềm hoặc thiết bị được sử dụng để bảo vệ mạng máy tính của bạn bằng cách kiểm soát và giám sát lưu lượng mạng. Nó quyết định xem liệu dữ liệu nào được phép đi qua hay bị chặn dựa trên các quy tắc được thiết lập trước, giúp ngăn chặn các mối đe dọa từ mạng bên ngoài và kiểm soát truy cập đến các tài nguyên trong mạng.
Phần mềm tường lửa
Phần mềm tường lửa là các ứng dụng hoặc chương trình được cài đặt trên thiết bị như máy tính PC, laptop để thực hiện chức năng bảo vệ mạng. Thông thường, các phần mềm tường lửa thường được các nhà sản xuất máy tính tích hợp sẵn vào hệ điều hành của mình. Người dùng có thể bật tắt tính năng tường lửa trên thiết bị của họ.
Phần mềm tường lửa khác với phần mềm chống virus:
Rất nhiều người nhầm lẫn tường lửa và phần mềm chống Virus với nhau. Firewall chủ yếu kiểm soát và ngăn chặn lưu lượng truy cập vào mạng. Nó không phát hiện và ngăn chặn virus. Các phần mềm diệt virus như Karpersky mới thực hiện chức năng này.
Phần mềm chống virus được thiết kế để phát hiện, ngăn chặn và loại bỏ các phần mềm độc hại như virus, trojan, và malware khác từ môi trường máy tính. Trong khi đó, Tường lửa thường hoạt động ở cấp độ mạng, kiểm soát lưu lượng dựa trên các quy tắc và chính sách được cấu hình trước.
Thiết bị Firewall
Thiết bị tường lửa là thiết bị cứng nằm ở biên của mạng. Nơi kết nối với Internet. Thông thường Firewall sẽ được đặt sau Modem và kết nối với Router. Khi đó, mọi lưu lượng truy cập vào ra trong mạng đều sẽ được kiểm soát bởi thiết bị tường lửa.
Thiết bị tường lửa thường có khả năng tích hợp nhiều tính năng bảo mật khác nhau như kiểm soát truy cập, VPN, bảo vệ chống xâm nhập (IDS/IPS), và lọc nội dung.
Các thiết bị tường lửa thường được quản lý từ một trung tâm quản lý tập trung, cho phép người quản trị tạo, cấu hình và theo dõi các chính sách bảo mật trên toàn bộ mạng.
Tường lửa hoạt động như thế nào?
Khi gói dữ liệu đi qua tường lửa (bất kể là phần mềm hay thiết bị), tường lửa sẽ phân tích nó để xác định các thông tin như địa chỉ IP nguồn và đích, cổng giao tiếp, và giao thức sử dụng.
Tường lửa sẽ so sánh thông tin của gói dữ liệu với các quy tắc và chính sách được cấu hình trước. Các quy tắc này có thể xác định rằng một gói dữ liệu cụ thể được phép đi qua dựa trên các tiêu chí như địa chỉ IP, cổng giao tiếp, hoặc giao thức sử dụng.
Dựa trên kết quả của việc so sánh, tường lửa sẽ quyết định liệu gói dữ liệu đó được phép đi qua hay bị chặn. Nếu gói dữ liệu tuân theo một trong các quy tắc được cấu hình, nó sẽ được chấp nhận và tiếp tục đi qua. Ngược lại, nếu gói dữ liệu không tuân theo bất kỳ quy tắc nào, nó sẽ bị từ chối và không được chuyển tiếp.
Nhiều tường lửa hiện đại cung cấp khả năng kiểm tra ở tầng ứng dụng. Điều này cho phép tường lửa phân tích dữ liệu ở mức cao hơn, nhận biết và kiểm soát các ứng dụng cụ thể hoạt động trên mạng. Ví dụ, tường lửa có thể kiểm tra giao thức HTTP và ngăn chặn truy cập vào các trang web cụ thể hoặc ngăn chặn các loại truy cập không mong muốn như trò chơi trực tuyến.
Tường lửa có thể ghi lại các sự kiện quan trọng như việc chấp nhận hoặc từ chối gói dữ liệu, giúp người quản trị mạng theo dõi và phân tích các hoạt động trên mạng.
Tại sao cần sử dụng tường lửa?
Tưởng lửa là một biện pháp tốt để bảo vệ mạng và thiết bị của bạn. Tại sao cần sử dụng tường lửa ư? Vì thiết bị và mạng của bạn cần phải được bảo vệ? Nếu không bảo vệ thì có sao không á?
Nếu không sử dụng tường lửa, thiết bị mà mạng của bạn gặp rất nhiều rủi ro:
- Dễ dàng trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công mạng như: (DoS), tấn công phá hủy, và lây nhiễm malware.
- Không có tường lửa, tức là bạn đang mở cửa chờ hacker xâm nhập vào mạng và thiết bị của bạn.
- Không có tường lửa để kiểm soát và lọc lưu lượng mạng, malware như virus, trojan, và ransomware có thể dễ dàng lây lan trong mạng nội bộ, gây ra sự cố và thiệt hại lớn.
Cho nên, khi sử dụng máy tính như các hệ điều hành Windows, Mac luôn gửi cảnh báo khi bạn tắt tường lửa trên thiết bị của bạn.
Và các phần mềm cài đặt thêm và tải trên mạng về thường yêu cầu tắt tường lửa để cài đặt. Điều này có nhiều rủi ro, đặc biệt là các phần mềm miễn phí hoặc crack thường chứa virus.
Do đó, hãy luôn bật tường lửa trên thiết bị và sử dụng tường lửa bảo vệ mạng của bạn!
Mong rằng, qua bài viết này bạn đã nắm rõ được các ý chính sau:
- Tường lửa hay Firewall có tác dụng kiểm soát lưu lượng ra vào mạng của bạn.
- Tường lửa có thể là phần mềm hoặc thiết bị phần cứng.
- Tường lửa rất quan trọng để bảo vệ an toàn cho mạng của bạn.
- Phần mềm tường lửa và phần mềm chống virus là khác nhau.
Thông Tin Về Tác Giả
Nguyễn Thành Hợp là một chuyên gia về lĩnh vực thiết bị mạng, viễn thông gần 10 năm kinh nghiệm với nhiều chứng chỉ chất lượng như CCNA 200-301, CCNP, CCDA, CCDP,... do Cisco cung cấp. Sở thích cá nhân là khám phá những kiến thức mới mẻ về công nghệ nói chung và đặc biệt là liên quan đến lĩnh vực mạng!