DDoS là một kiểu tấn công mạng được Hacker thực hiện bằng cách sử dụng hệ thống gồm nhiều thiết bị gửi yêu cầu truy cập tới mạng hoặc máy chủ web. Mục đích của tấn công DDoS là khiến máy chủ web và mạng bị quá tải, làm sập web, nghẽn mạng. Từ đó, khiến trang web không thể hoạt động và cung cấp dịch vụ. DDoS chủ yếu nhắm vào các trang web nhiều hơn là tấn công hệ thống mạng.
Cách Hacker thực hiện tấn công DDoS
Các máy chủ Web đều có thông số RAM và CPU để xử lý. RAM và CPU càng cao thì khả năng xử lý yêu cầu truy cập từ người dùng cùng lúc càng nhiều. Thông thường, chủ web sẽ biết được lưu lượng truy cập trung bình hàng ngày của web để lựa chọn gói VPS hoặc Hosting phù hợp cho web của mình.
Khi người dùng truy cập, tức là người dùng gửi yêu cầu đến máy chủ web. Và máy chủ web nhận được sẽ phản hồi lại yêu cầu của người dùng. Càng nhiều người dùng truy cập cùng lúc thì Server càng phải hoạt động. Và nếu số người dùng truy cập cùng lúc vượt quá khả năng xử lý của Server web thì nó sẽ bị nghẽn. Tức là nó không thể phản hồi hoặc phản hồi rất chậm cho người dùng.
Do đó, hacker chỉ lợi dụng đúng một nhược điểm duy nhất này. Tin tặc sử dụng hệ thống gồm nhiều thiết bị máy tính, hay bất kể thứ gì đó để gửi yêu cầu đến trang web. Số lượng yêu cầu này cực kỳ khổng lồ khiến máy chủ web bị nghẽn ngay lập tức.
Vậy làm sao Hacker có nhiều thiết bị đến vậy?
Với số lượng thiết bị khổng lồ, rất khó để có thể tự xây dựng hoặc bỏ tiền ra mua. Cách đơn giản nhất là Hacker rải các mã độc trên mạng, qua mail để kiếm quyền truy cập thiết bị. Những nạn nhân sẽ không biết máy của mình đã bị Hack.
Khi thực hiện tấn công DDoS, tin tặc sẽ cho chạy mã để các thiết bị đã bị hack này cùng gửi yêu cầu tới địa chỉ IP của máy chủ Web. Một hệ thống các thiết bị như vậy thường được gọi là Botnet.
Hiện nay, thậm chí còn có nhiều thủ đoạn cao cấp hơn như việc tạo ra địa chỉ IP ảo và thiết bị ảo để thực hiện tấn công DDoS.
Hậu quả của cuộc tấn công DDoS tới Website
Khi bị tấn công DDoS, các website nhẹ thì bị giảm tốc độ phản hồi. Do đó, nó giảm tốc độ tải trang trên trang web. Nếu nặng, trang web sẽ bị sập. Những người dùng thực sẽ không thể truy cập được trang web.
Vì vậy, hậu quả đầu tiên của tấn công DDoS tới website là khiến trang web bị dừng hoạt động. Không thể hoạt động đồng nghĩa với việc ta không thể kinh doanh. Đặc biệt là các trang web thương mại điện tử hay dịch vụ.
Ngoài ra, việc trang web không thể phản hồi người dùng gây ra các lỗi về phản hồi máy chủ 5XX được ghi nhận trên Google Search Console. Hay giảm tốc độ tải trang cũng làm giảm trải nghiệm của người dùng trên trang web. Những yếu tố này là các yêu tố quan trọng để google sử dụng xếp hạng trang web.
Do đó, nếu bị tấn công DDoS nghiêm trọng. Trang web sẽ bị bay màu từ khóa và giảm thứ hạng trang web trên Google rất nhiều.
Tại sao Hacker lại tấn công DDoS?
Tất nhiên là không ai rảnh để đi tấn công tới trang web của bạn. Họ cũng chả nhận được thông tin gì từ trang web của bạn. Tuy nhiên, nếu đối thủ trên Google của bạn muốn đánh tụt hạng trang web của bạn. Thì họ có thể sử dụng tấn công DDoS.
Tấn công DDoS có thể sử dụng để tống tiền trang web chẳng hạn.
Cách ngăn chặn tấn công DDoS
Giờ ta đã hiểu cách Hacker thực hiện tấn công DDoS và hậu quả nó gây ra. Vậy làm cách nào để ngăn chặn tấn công DDoS tới máy chủ Web của mình.
Có nhiều cách để sử ngăn chặn tấn công DDoS tới web, gồm:
- Firewall và IPS/IDS: Sử dụng tường lửa (firewall) để lọc các gói tin độc hại và sử dụng hệ thống phát hiện xâm nhập (IDS/IPS) để nhận biết và ngăn chặn các hoạt động không bình thường.
- Cân bằng tải (Load Balancing): Sử dụng cân bằng tải để phân phối lưu lượng truy cập đến nhiều máy chủ, giúp giảm thiểu ảnh hưởng của tấn công tập trung lên một máy chủ duy nhất.
- Giới hạn Tốc độ (Rate Limiting): Thực hiện giới hạn tốc độ truy cập từ một địa chỉ IP hoặc một dải địa chỉ IP cụ thể để hạn chế khả năng gửi yêu cầu từ nguồn tấn công.
- Sử dụng CDN (Content Delivery Network): Triển khai CDN giúp phân phối nội dung đến người dùng từ các máy chủ gần họ hơn, giảm bớt áp lực lên máy chủ chính và cũng giúp lọc bớt lưu lượng tới máy chủ.
- Thiết lập cấu hình Web Server: Tối ưu hóa cấu hình máy chủ web để chống lại các loại tấn công DDoS như SYN Floods, Slowloris, và các kỹ thuật tấn công khác.
- Sử dụng Dịch vụ Bảo mật DDoS: Cân nhắc sử dụng các dịch vụ bảo mật DDoS được cung cấp bởi các nhà cung cấp bảo mật chuyên nghiệp, như Cloudflare hoặc Akamai, để giảm thiểu tác động của tấn công.
Thông thường, khi trang web bị tấn công DDoS, điều cần làm là ngay lập tức liên hệ với người hỗ trợ bạn khi đăng ký hosting và VPS để có biện pháp xử lý. Việc khôi phục trang web hoạt động lại bình thường cần phải được diễn ra càng nhanh càng tốt để giảm thiểu thiệt hại do DDoS gây ra.
Mong rằng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ về tấn công DDoS và cách nó thực hiện và biện pháp phòng chống!
Thông Tin Về Tác Giả
Nguyễn Thành Hợp là một chuyên gia về lĩnh vực thiết bị mạng, viễn thông gần 10 năm kinh nghiệm với nhiều chứng chỉ chất lượng như CCNA 200-301, CCNP, CCDA, CCDP,... do Cisco cung cấp. Sở thích cá nhân là khám phá những kiến thức mới mẻ về công nghệ nói chung và đặc biệt là liên quan đến lĩnh vực mạng!