Để triển khai cáp quang, ta có hai phương án. Đó là mạng AON và PON. Trong bài trước ta đã tìm hiểu về mạng PON (mạng quang thụ động). Trong bài này, ta sẽ đi tìm hiểu chi tiết về mạng AON – mạng quang chủ động cho kết nối điểm – điểm. Sau khi đọc song bài viết bạn sẽ trả lời được các câu hỏi sau:

  • Mạng AON là gì?
  • Cấu tạo và thành phần chính mạng AON?
  • Mạng AON khác mạng PON thế nào?
  • Ưu điểm và ứng dụng của mạng AON?

Mạng AON là gì?

mạng AON

AON được viết tắt của Active Optical Network, nghĩa là mạng quang chủ động. AON triển khai kết nối điểm – điểm để triển khai cáp quang nhằm cung cấp dịch vụ internet băng thông rộng, truyền hình cáp, và các dịch vụ mạng khác đến người dùng cuối. AON sử dụng các thiết bị chủ động (cần nguồn điện) như Switch quang hoặc Router để phân phối tín hiệu quang.

Mục đích của mạng AON là để triển khai mạng quang trực tiếp từ nhà cung cấp dịch vụ ISP đến với điểm cuối người tiêu dùng.

Thành phần chính của mạng AON

AON sử dụng các thiết bị quản lý và điều phối luồng dữ liệu quang. Hệ thống AON gồm các thành phần chính sau: thiết bị OLT, ONU/ONT và Switch quang. Trong đó:

1. Thiết bị OLT:

  • OLT được đặt tại nhà cung cấp dịch vụ hoặc trung tâm dữ liệu.
  • Nó đóng vai trò trung tâm điều khiển chính, quản lý luồng dữ liệu từ mạng cáp quang đến các thiết bị ONU/ONT của người dùng cuối.

2. Thiết bị ONT/ONU:

  • ONU/ONT được đặt tại nhà khách hàng hoặc các điểm nút trong mạng.
  • Nó có nhiệm vụ nhận tín hiệu quang từ OLT và chuyển đổi thành tín hiệu điện để các thiết bị đầu cuối như máy tính, TV và điện thoại có thể sử dụng.

3. Switch quang:

Bộ chuyển mạch quang nằm ở các điểm nút trong mạng AON, thực hiện chức năng định tuyến và chuyển tiếp tín hiệu quang giữa OLT và ONU/ONT.

Một số switch quang có thể tích hợp các bộ khuếch đại tín hiệu quang để tăng cường tín hiệu và giảm thiểu suy hao trong quá trình truyền dẫn.

Mạng AON hoạt động như thế nào?

Khi OLT tại trung tâm dữ liệu của nhà cung cấp dịch vụ phát tín hiệu quang qua cáp quang đến các switch quang. Các bộ chuyển mạch này có nhiệm vụ định tuyến và chuyển tiếp tín hiệu quang đến đúng ONU tương ứng với từng người dùng cuối.

ONU nhận tín hiệu quang, chuyển đổi thành tín hiệu điện để phục vụ cho các thiết bị đầu cuối như máy tính, TV và điện thoại. Quá trình ngược lại diễn ra khi ONU nhận dữ liệu từ các thiết bị đầu cuối, chuyển đổi thành tín hiệu quang và truyền ngược lại qua các switch quang đến OLT.

OLT không chỉ điều khiển luồng dữ liệu mà còn quản lý băng thông, đảm bảo chất lượng dịch vụ (QoS) cho các ứng dụng yêu cầu. Bộ chuyển mạch quang hỗ trợ bằng cách định tuyến tín hiệu chính xác, đôi khi khuếch đại tín hiệu để giảm suy hao. Nhờ vào sự điều phối chủ động này, AON có khả năng cung cấp các dịch vụ mạng với hiệu suất cao và độ tin cậy, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng cuối.

Phân biệt mạng AON và PON

phân biệt mạng AON và PON

Mạng quang thụ động (PON) và mạng quang chủ động (AON) khác nhau ở cách thức phân phối tín hiệu quang giữa thiết OLT đến ONT:

  • AON sử dụng các thiết bị chủ động như Switch quang để quản lý luồng dữ liệu.
  • Trong khi đó, mạng PON sử dụng các thiết bị thụ động như bộ chia quang để phân phối tín hiệu quang.

Mạng AON có hiệu suất cao hơn nhưng cũng tốn chi phí ban đầu cao hơn, bảo trì, cài đặt và triển khai khó hơn. Mạng PON hiệu suất thấp hơn AON nhưng chi phí ban đầu rẻ hơn và dễ dàng triển khai và cài đặt.

Mạng AON thường được sử dụng trong các mạng doanh nghiệp lớn hoặc khu vực đô thị nơi cần hiệu suất cao và quản lý băng thông linh hoạt. Mạng PON phổ biến trong mạng truy nhập cáp quang đến tận nhà (FTTH – Fiber To The Home), đặc biệt là ở các khu vực dân cư.

Thông Tin Về Tác Giả

Tổng Biên Tập at Thiết Bị Mạng Giá Rẻ | Website | + posts

Nguyễn Thành Hợp là một chuyên gia về lĩnh vực thiết bị mạng, viễn thông gần 10 năm kinh nghiệm với nhiều chứng chỉ chất lượng như CCNA 200-301, CCNP, CCDA, CCDP,... do Cisco cung cấp. Sở thích cá nhân là khám phá những kiến thức mới mẻ về công nghệ nói chung và đặc biệt là liên quan đến lĩnh vực mạng!