Trong bài viết giới thiệu về địa chỉ IP, ta đã đề cập đến một số loại địa chỉ gồm: Địa chỉ IP công cộng (Public IP), Địa chỉ IP riêng (Private IP), Địa chỉ IP động (Dynamic IP) và Địa chỉ IP tĩnh (Static IP). Trong bài viết này ta sẽ tìm hiểu chi tiết hơn về các loại địa chỉ IP nhằm hiểu rõ chức năng của từng loại này!

Địa chỉ IP công cộng (Public IP) và Địa chỉ IP riêng (Private IP)

địa chỉ IP riêng và địa chỉ IP công cộng

Trước hết, ta sẽ đi làm rõ về sự khác nhau giữa 2 loại địa chỉ IP công cộng và riêng tư trước. Sỡ dĩ hai loại địa chỉ IP này có tên như vậy là bởi vì phạm vi sử dụng của chúng:

  • Địa chỉ IP công cộng được sử dụng định danh cho các thiết bị trên Internet. Nó là địa chỉ mà các thiết bị từ bất kỳ nơi nào trên Internet cũng có thể truy cập được.
  • Địa chỉ IP riêng chỉ được sử dụng trong nội bộ của một tổ chức, công ty hoặc gia đình và không được định tuyến trên Internet công cộng. Nó được sử dụng để định danh các thiết bị và mạng con trong một mạng LAN.

Theo đó, Public IP phải là duy nhất và không thể trùng lặp trên Internet. Trong khi, Private IP thì lại không cần.

1. Public IP

Public IP

Địa chỉ IP công cộng cho phép các thiết bị trong mạng có thể được truy cập từ bất kỳ đâu trên Internet. Điều này cho phép các dịch vụ truy cập từ xa như truy cập vào trang web, máy chủ email, hoặc máy chủ game trực tuyến.

Địa chỉ IP công cộng thường được cấp phát và quản lý bởi các nhà cung cấp dịch vụ Internet. Các ISP sẽ quản lý một tập hợp các địa chỉ IP và gán chúng cho khách hàng của họ dựa trên nhu cầu và yêu cầu cụ thể.

Nó cũng là cách để xác định một thiết bị hoặc mạng con cụ thể trên Internet. Các địa chỉ này cho phép các thiết bị gửi và nhận dữ liệu từ Internet một cách hiệu quả và có thể được định tuyến đến đích đúng.

2. Private IP

địa chỉ IP riêng

Sử dụng địa chỉ IP riêng giúp bảo vệ các thiết bị và dữ liệu trong mạng nội bộ, vì chúng không được trực tiếp tiếp cận từ Internet. Nó giúp quản lý và tổ chức mạng nội bộ một cách dễ dàng hơn, vì chúng cho phép phân biệt các thiết bị và mạng con.

Các nhà quản trị mạng sẽ quản lý Private IP. Có 3 dải địa chỉ IP riêng được phân bổ như sau:

  1. 10.0.0.0 đến 10.255.255.255:  được dành cho việc sử dụng riêng trong mạng nội bộ.
  2. 172.16.0.0 đến 172.31.255.255: cũng được dành cho mạng nội bộ và thường được sử dụng cho các tổ chức vừa và lớn.
  3. 192.168.0.0 đến 192.168.255.255: là dải địa chỉ IP riêng phổ biến nhất và thường được sử dụng cho các mạng gia đình và doanh nghiệp nhỏ.

Bằng cách sử dụng địa chỉ IP riêng, ta có thể tiết kiệm địa chỉ IP công cộng, vì chúng chỉ cần một địa chỉ IP công cộng duy nhất để kết nối với Internet thông qua NAT (Network Address Translation).

Tuy nhiên, loại địa chỉ này trong mỗi dải là hữu hạn nên có thể gây ra hạn chế khi mở rộng mạng hoặc kết nối với mạng khác.

Địa chỉ IP động (Dynamic IP) và địa chỉ IP tĩnh (Static IP)

địa chỉ IP tĩnh và động

Hai loại địa chỉ IP tĩnh và động liên quan đến cách mà chúng được cấp phát cho thiết bị. Tức là việc ta gán địa chỉ IP cho các thiết bị. Theo đó ta sẽ có 2 cách gán là Dynamic hoặc Static:

  • Dynamic IP là loại địa chỉ được cấp phát tự động bởi nhà cung cấp dịch vụ ISP tới các thiết bị khi truy cập vào Internet hoặc được cấp bằng giao thức DHCP. Nghĩa là một thiết bị sẽ không cố định với một địa chỉ IP. Mà nó sẽ có địa chỉ IP thay đổi mỗi khi truy cập vào mạng.
  • Static IP là loại địa chỉ IP được cấu hình cố định gán với một thiết bị. Địa chỉ IP tĩnh không thay đổi cho đến khi cấu hình lại với địa chỉ IP khác.

1. Địa chỉ IP động

địa chỉ IP động được cấp phát bởi DHCP
địa chỉ IP động được cấp phát bởi DHCP

Ta đã biết địa chỉ IP động chỉ được cấp phát tạm thời và có thể tái sử dụng. Do đó, mục đích của nó là để tiết kiệm số lượng có hạn địa chỉ IP công cộng. Một lợi ích bất ngờ khác là Dynamic IP cung cấp một lớp bảo mật tự nhiên. Vì địa chỉ IP của bạn thường thay đổi, làm cho nó khó cho các hacker theo dõi hoặc tấn công bạn trên Internet.

Do địa chỉ IP thay đổi định kỳ, việc truy cập từ xa vào các thiết bị như máy chủ hoặc camera an ninh có thể trở nên phức tạp hơn.

Do đó, Dynamic IP thường được sử dụng trong các mạng gia đình, doanh nghiệp nhỏ và người dùng cá nhân, nơi mà cần ít sự quản lý hơn và tiết kiệm địa chỉ IP.

2. Địa chỉ IP tĩnh

Static IP

Static IP cung cấp một địa chỉ IP ổn định, giúp cho các dịch vụ hoặc ứng dụng truy cập từ xa hoạt động một cách liên tục và đáng tin cậy. Vì địa chỉ IP không thay đổi, việc quản lý và theo dõi hoạt động của các thiết bị trong mạng trở nên dễ dàng hơn.

Địa chỉ IP tĩnh thường được sử dụng cho máy chủ web và máy chủ email để đảm bảo rằng dịch vụ này luôn có sẵn và dễ dàng truy cập từ bên ngoài. Nó cũng thích hợp cho các thiết bị như camera an ninh và thiết bị IoT (Internet of Things) để quản lý từ xa mà không cần phải lo lắng về việc thay đổi địa chỉ IP.

Thường thì việc có một địa chỉ IP tĩnh sẽ đòi hỏi chi phí cao hơn so với việc sử dụng địa chỉ IP động, vì bạn cần phải trả phí cho việc cấp phát và duy trì địa chỉ IP tĩnh. Đặc biệt trong mạng lớn, việc quản lý nhiều địa chỉ IP tĩnh có thể trở nên phức tạp và tốn kém.

Tóm Tắt:

Qua bài này, ta sẽ tổng kết lại các ý chính như sau:

  • Có 4 loại địa chỉ IP gồm: Public IP, Private IP, Dynamic IP và Static IP.
  • Public IP và Private IP khác nhau về phạm vi sử dụng.
  • Dynamic IP và Static IP khác nhau về cách cấp phát địa chỉ IP cho thiết bị.
  • Người ta sử dụng địa chỉ IP công cộng để định danh các thiết bị trên mạng và địa chỉ IP riêng để định danh thiết bị và mạng con trong mạng cục bộ. Và để cấp phát địa chỉ IP tới thiết bị ta có thể sử dụng Dynamic IP hoặc Static IP.

Mong rằng bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về các loại địa chỉ IP!

Thông Tin Về Tác Giả

Tổng Biên Tập at Thiết Bị Mạng Giá Rẻ | Website | + posts

Nguyễn Thành Hợp là một chuyên gia về lĩnh vực thiết bị mạng, viễn thông gần 10 năm kinh nghiệm với nhiều chứng chỉ chất lượng như CCNA 200-301, CCNP, CCDA, CCDP,... do Cisco cung cấp. Sở thích cá nhân là khám phá những kiến thức mới mẻ về công nghệ nói chung và đặc biệt là liên quan đến lĩnh vực mạng!